Nội dung Diệp_Vấn_(phim)

Năm 1935, Phật Sơn là trung tâm võ thuật của vùng Hoa Nam, nơi nhiều môn phái tích cực chiêu mộ đệ tử và tỷ võ với nhau. Mặc dù là người giỏi võ nhất Phật Sơn, võ sư Vịnh Xuân quyền Diệp Vấn luôn khiêm tốn và tránh gây sự chú ý. Diệp Vấn được đồng nghiệp tôn trọng vì sự nhún nhường mà anh đã thể hiện trong các cuộc tỷ võ giao lưu kín.  

Vào một ngày, chuyên gia gây rối Sa Đảm Nguyên khi đang cố gắng lấy con diều mắc trên cành cây nhà họ Diệp, đã vô tình chứng kiến Diệp Vấn đánh bại Liêu sư phụ trong một cuộc tỷ võ giao lưu. Đảm Nguyên loan tin khắp Phật Sơn. Anh trai Đảm Nguyên là “Lâm” võ si – một đệ tử của Liêu sư phụ – tụt quần cậu em ngay tại nơi công cộng để dạy Đảm Nguyên rằng trên đời có vài điều bí mật cần phải giữ kín. Xấu hổ, Đảm Nguyên chạy biến vào giữa đám đông.

Kim Sơn Trảo, một võ sư Hoa Bắc tuy thô lỗ nhưng rất lợi hại, thách đấu tay đôi với tất cả võ sư ở Phật Sơn trừ Diệp Vấn và đều dễ dàng giành chiến thắng. Đánh bại Kim Sơn Trảo, Diệp Vấn càng vang danh hơn khi nâng cao lòng tự tôn của các võ sư Hoa Nam cũng như dân chúng Phật Sơn. Thanh niên Phật Sơn lũ lượt tới tìm Diệp Vấn bái sư nhưng anh đều từ chối.

Trong Chiến tranh Trung-Nhật lần hai, Quân đội Đế quốc Nhật Bản tịch thu tư gia nhà họ Diệp và biến nó thành trụ sở quân sự tại Phật Sơn. Diệp Vấn và gia đình mất sạch của cải, buộc phải chuyển đến một căn hộ cũ nát. Tuyệt vọng trong nỗ lực nuôi sống gia đình, anh đành phải tìm việc làm tại một mỏ than cùng với Lâm. Lâm rất hối hận vì lỡ làm nhục Đảm Nguyên, muốn tìm và tặng cậu em một chiếc hộp thiếc làm quà nhưng bất thành.

Tướng Miura – cao thủ Karate Nhật Bản – tổ chức một võ đài nơi các võ sĩ Trung Quốc thi đấu với các học viên quân sự của anh ta để giành phần thưởng là những túi gạo. Lý Chiêu, một cựu sĩ quan cảnh sát và là người quen của Diệp Vấn, hiện đang làm thông dịch viên cho quân đội Nhật Bản. Anh mang đến cho các võ sĩ làm việc tại mỏ than cơ hội kiếm gạo qua mỗi trận đấu mà họ thắng. Khi Lâm biến mất ngay sau trận đấu mà anh tham gia, Diệp Vấn liền đến võ đài để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với bạn mình.

Diệp Vấn xem Liêu sư phụ đánh bại một trong các karateka của Miura. Tiếp đó, Liêu sư phụ yêu cầu đấu với ba người một lúc hòng có thêm gạo và để thua. Khi cố lấy túi gạo mà mình giành được từ trận thắng đầu tiên, ông bị phó chỉ huy dưới quyền Miura – Đại tá Sato – bắn chết. Miura giật súng, chĩa vào đầu Sato, đe dọa sẽ xử tử anh ta nếu còn dám nổ súng ở võ đài.  

Chứng kiến Liêu sư phụ bị hành quyết, Diệp Vấn suy ra rằng Lâm cũng bị đánh rồi giết chết sau trận chiến trước đó của anh ta với Miura. Phẫn nộ, Diệp Vấn yêu cầu đấu với mười karateka một lúc. Mặc dù không còn luyện Vịnh Xuân quyền từ ngày quân Nhật Bản chiếm đóng Phật Sơn, Diệp Vấn vẫn dễ dàng đánh bại mười võ sĩ đối thủ một cách không thương tiếc, không một chút kiềm chế như anh thường thể hiện trong những trận đấu với các võ sư trước kia. Miura bị thu hút trước tuyệt kỹ võ thuật của Diệp Vấn, muốn tìm hiểu và quan sát anh chiến đấu thêm một lần nữa. Diệp Vấn từ chối đấu tiếp và đem túi gạo về cho gia đình Liêu sư phụ.

Diệp Vấn đến thăm bạn của mình, Châu Thanh Tuyền, người sở hữu và điều hành một nhà máy bông ở Phật Sơn. Một ngày nọ, con trai của Thanh Tuyền đến gặp Diệp Vấn và nói với anh rằng một băng cướp do Kim Sơn Trảo cầm đầu đang quấy rối các công nhân, đòi họ tiền bảo kê. Diệp Vấn cuối cùng cũng đồng ý trở thành thầy dạy võ, truyền thụ Vịnh Xuân quyền cho công nhân để tự vệ.

Thấy Diệp Vấn mãi mà không quay trở lại võ đài, Miura mất kiên nhẫn, cử Sato và vài binh lính đi truy lùng anh. Sau khi một mình chế ngự đám người Nhật, Diệp Vấn cùng vợ con buộc phải bỏ căn hộ, tới ẩn náu trong nhà Lý Chiêu. Khi băng cướp của Kim Sơn Trảo quay lại nhà máy bông, công nhân ở đây chiến đấu, cầm chân chúng đủ lâu để Diệp Vấn đến tiếp ứng kịp. Diệp Vấn dùng một cây sào gỗ đánh chói tai trái của Kim Sơn Trảo, cảnh báo anh ta tránh xa các công nhân ở nhà máy bông. Diệp Vấn tới gặp Đảm Nguyên – vốn cũng là một thành viên trong băng cướp của Kim Sơn Trảo – bên ngoài nhà máy, kể cho cậu nghe về số phận của người anh trai Lâm “võ si”. Diệp Vấn trao lại cho Đảm Nguyên chiếc hộp thiếc, trong đó có con diều của cậu đã được gấp gọn. Đảm Nguyên rời băng cướp của Kim Sơn Trảo, gia nhập nhóm người lao động kháng Nhật.

Quân đội Nhật Bản nhận tin về Diệp Vấn từ một thành viên băng cướp. Nhà máy bông bị quân Nhật đột kích, Diệp Vấn nhanh chóng tới đây để cứu mọi người, bỏ ngoài tai lời khuyên của Lý Chiêu. Khi bị bắt làm tù binh, anh nhờ Thanh Tuyền đưa vợ và con trai tới Hồng Kông để họ được an toàn. Miura nói với Diệp Vấn rằng anh sẽ được tha mạng nếu chịu dạy võ Trung Quốc cho binh lính Nhật Bản. Diệp Vấn từ chối và thách đấu Miura. Vì tình yêu võ thuật và muốn giữ thể diện quốc gia, Miura nhận lời. Sato bí mật dọa giết Diệp Vấn nếu anh không chịu buông xuôi trong trận đấu sắp tới. Ban đầu, Diệp Vấn và Miura có vẻ ngang tài ngang sức. Tuy nhiên, nhờ khả năng phòng thủ hoàn hảo và một loạt quyền cước liên hoàn, Diệp Vấn chiếm thế thượng phong trước Miura, giáng cho anh ta một đòn chết người.  

Đám đông người Trung Quốc tung hô Diệp Vấn, họ nhìn thấy vợ và con anh trở về cùng Thanh Tuyền. Ngay sau đó, Sato bắn trúng vai Diệp Vấn khiến anh ngã khỏi võ đài. Hành động này kích động đám đông Trung Quốc, họ nhanh chóng áp đảo nhóm binh lính Nhật Bản. Giữa cuộc ẩu đả, Lý Chiêu cướp súng và lấy mạng Sato. Thanh Tuyền và Đảm Nguyên đem Diệp Vấn đi trong cảnh hỗn loạn.  

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Diệp_Vấn_(phim) http://hincheuk.conforums3.com/index.cgi?action=di... http://www.hkcinemagic.com/en/movie.asp?id=10532 http://hkmdb.com/db/movies/view.mhtml?id=12967&dis... http://www.iht.com/articles/ap/2007/10/15/arts/AS-... http://www.ipman-movie.com/ http://www.ipman-movie.com/blog/ http://www.kenjikawai.com/topics_e.html#081219 http://mandarinfilms.com/chi/movies/ipman/ipman_ch... http://mandarinfilms.com/chi/movies/ipman/ipman_en... http://www.musvn.com/forum/showthread.php?t=7843/